Trong những năm qua đã có rất nhiều tin tức nóng về thực phẩm từ côn trùng trên báo đài, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Dế chính thức được đưa lên kệ siêu thị trong năm 2022.
Dế – thực phẩm giàu dinh dưỡng
80% dân số thế giới sử dụng côn trùng như một phần trong chế độ ăn uống hàng ngày của họ.
Nhà thực phẩm và côn trùng học Skye Blackburn đã tự hỏi sau khi thử côn trùng lần đầu tiên ở Thái Lan vào năm 2007: Tại sao người Úc không nằm trong số 80% những người ăn côn trùng trên thế giới?
Cô nói: “Tôi đã gửi một số con dế và sâu để kiểm tra dinh dưỡng. Khi nhận lại kết quả, tôi thực sự đã bị sốc vì không có ai ở Úc sử dụng chúng như một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, chúng gần như có mọi thứ mà cơ thể bạn cần.”
Côn trùng, đặc biệt là dế, được nuôi như thế nào?
Không giống như chăn nuôi gia súc và cây trồng diện rộng, côn trùng không cần nhiều không gian để sinh trưởng và phát triển. Bởi vì điều này, các trang trại côn trùng trở nên phổ biến ở các thành phố lớn. Chúng thậm chí có thể ở bên cạnh ngôi nhà của bạn!
Skye Blackburn bắt tay vào việc nuôi côn trùng sau khi trở về từ một chuyến đi đến châu Á vào năm 2007. Blackburn hiện có trang trại côn trùng của riêng mình “The Edible Bug Shop” ở phía Tây Sydney.
Cô chia sẻ: “Chúng tôi chuyển đổi các không gian nhà kho không sử dụng thành các trang trại sản xuất protein từ côn trùng. Chúng tôi có những chiếc thùng được thiết kế đặc biệt xếp chồng lên nhau từ sàn lên đến mái nhà, nó có nghĩa là chúng tôi có thể tận dụng hiệu quả không gian ở ngay tại nơi chúng tôi sinh sống.”
Trong khi một nông dân điển hình có thể có hơn 400 con gia súc, cô Blackburn nói rằng cô không biết mình có bao nhiêu con dế, nhưng biết rằng chúng lên tới hàng triệu con.
Để đảm bảo công việc kinh doanh của mình được phát triển trong tương lai, cô Blackburn đã phát minh ra công nghệ cho trang trại của mình.
Cô nói: “Chúng tôi đã phát triển các công nghệ rô-bốt và trí tuệ nhân tạo giúp chúng tôi cho ăn, làm sạch và giám sát những con dế để chúng có một cuộc sống thực sự hạnh phúc và khỏe mạnh.”
Mỏ vàng dinh dưỡng
Cô Blackburn là một trong những người đầu tiên ở phương Tây nuôi côn trùng để làm thức ăn cho con người. Việc nuôi côn trùng ngày càng trở nên phổ biến khi các trang trại mọc lên khắp nước Úc. Stirling Tavener vừa thành lập một trang trại côn trùng ở Cairns và nói rằng chúng là siêu thực phẩm lớn tiếp theo.
Ông Tavener nói: “Chúng có gấp đôi chất đạm so với thịt bò, nhiều canxi hơn sữa, và có hàm lượng sắt gấp ba lần so với rau chân vịt, cùng chín loại axit amin thiết yếu cho cơ thể”.
Channy Sandhu, người sáng lập công ty kinh doanh thực phẩm từ côn trùng Hoppa Foods, cho biết: “Protein côn trùng là protein sạch, tốt cho đường ruột của bạn. Nó dễ tiêu hóa và đáp ứng các nhu cầu về tính bền vững liên quan đến các yếu tố môi trường.”
Ngôi sao vàng cho sự bền vững
Đến năm 2050, sẽ có 2 tỷ người khác trên hành tinh của chúng ta và điều đó có nghĩa là sẽ cần thêm 60-70% lương thực cho dân số ngày càng tăng (theo FAO).
Như vậy, làm thế nào mà việc nuôi côn trùng giúp chúng ta đáp ứng được nhu cầu lương thực ngày càng tăng?
“Côn trùng có thể được nuôi bằng thức ăn thừa, những thức ăn có thể bị mất đi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Điều này giúp giảm thiểu lượng thức ăn bị lãng phí một cách đáng kể” – theo Giáo sư Michelle Colgrave – lãnh đạo của CSIRO giải thích.
Khái niệm “nông nghiệp tuần hoàn” (circular farming) cũng là điều mà Blackburn yêu thích ở trang trại của mình.
Cô giải thích: “Chúng tôi đang xử lý các chất thải và tạo ra một nguồn thực phẩm hoàn toàn mới. Nếu bạn chỉ thay thế một bữa ăn có thịt mỗi tuần bằng một bữa ăn sử dụng dế làm nguồn cung cấp protein chủ yếu, bạn thực sự tiết kiệm được hơn 100.000 lít nước uống mỗi năm. Chúng tôi không lấy đất để trồng trọt. Nuôi dế giúp giảm thiểu khoảng 100 lần lượng khí nhà kính khi bạn so sánh quá trình nuôi dế với chăn nuôi truyền thống.”
Tại sao người Úc không ăn dế?
Không giống như các nước phương Đông nơi côn trùng được tiêu thụ khá phổ biến, Giáo sư Colgrave cho rằng người tiêu dùng Úc không thích đi ra ngoài vùng an toàn của họ.
Bà nói: “Một trong những tâm lý chung mà tôi nghĩ rằng chúng tôi có ở Úc là yếu tố ‘ick’ hoặc ‘yuck’. Đó không phải là thứ mà chúng tôi quen ăn và chúng tôi thường coi côn trùng là động vật gây hại.”
Để khắc phục điều này, cô Blackburn nói rằng người tiêu dùng chỉ cần coi côn trùng như một nguồn protein bổ sung.
Cô ấy nói thêm: “Bạn không cần phải ăn tất cả các chân, cánh và râu để có được tất cả các lợi ích của côn trùng ăn được. Do đó, chúng tôi thêm protein côn trùng vào những thực phẩm quen thuộc mà bạn sẽ ăn hàng ngày như khoai tây chiên, mì ống hoặc granola. Bạn thậm chí sẽ không thể biết được rằng côn trùng có trong đó.”
2022 sẽ là năm của dế
Theo Agrifutres Australia, ngành công nghiệp côn trùng Úc dự kiến sẽ đạt mục tiêu 10 triệu đô la mỗi năm trong vòng 5 năm tới.
Vậy năm 2022 có phải là năm mà người Úc sẽ bắt đầu ăn côn trùng?
Cô Blackburn nói: “Tôi chắc chắn rằng năm 2022 sẽ là năm của các loài côn trùng ăn được. Bạn sẽ nhận thấy rằng chúng đang được bán trên khắp các kệ hàng trên toàn nước Úc ngay bây giờ.”
Ông Sandhu cho biết nếu doanh số bán hàng là dấu hiệu cho thấy sự phố biến của côn trùng, năm 2022 sẽ là năm tuyệt vời nhất.
Ông nói: “Trong ba năm qua, chúng tôi đã chứng kiến doanh số bán hàng của mình tăng lên, điều này phản ánh rõ ràng rằng thị trường đang ở đó và nó đang phát triển qua từng năm. Chúng tôi đã thấy doanh thu của mình tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Tôi không mảy may nghi ngờ rằng đây là tương lai của ngành thực phẩm.”
—————
Chúng tôi, Crifoods – Thực phẩm tương lai có sứ mệnh cung cấp nguồn thực phẩm xanh và giàu dinh dưỡng cho tất cả mọi người.
Chúng tôi mong muốn giải quyết vấn đề liên quan đến thiếu hụt nguồn lương thực toàn cầu trong tương lai, đặc biệt là nguồn dinh dưỡng chất lượng từ chất đạm. Bên cạnh đó, Crifoods muốn truyền cảm hứng tới cộng đồng về việc ăn uống dinh dưỡng, đồng thời bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.